CÁCH MẠNG THÁNG 8 NĂM 1945 LÀ BIỂU TƯỢNG CỦA SỨC MẠNH ĐẠI ĐOÀN KẾT DÂN TỘC VIỆT NAM
11/08/2021 07:36
CÁCH MẠNG THÁNG 8 NĂM 1945 LÀ BIỂU TƯỢNG CỦA SỨC MẠNH ĐẠI ĐOÀN KẾT DÂN TỘC VIỆT NAM

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là cuộc hồi sinh vĩ đại của một dân tộc biết nương tựa vào nhau, chung sức đồng lòng vì lẽ phải, vì lương tri và những giá trị làm người cơ bản. Đó là biểu tượng sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc, của mọi tầng lớp nhân dân Việt Nam và sức mạnh của đoàn kết quốc tế: Toàn dân đồng lòng nổi dậy, lực lượng Đồng minh chống phát xít trên thế giới ủng hộ; từ chiến khu về đồng bằng, từ nông thôn đến thành thị đều nhất tề nổi dậy giành chính quyền về tay nhân dân.

Có được sức mạnh đó là nhờ nghệ thuật lãnh đạo, chỉ đạo tài tình của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, đặc biệt là nghệ thuật xây dựng và phát huy cao độ sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; trên cơ sở lợi ích, nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân để tổ chức, tập hợp họ vùng lên đấu tranh “lấy sức ta giải phóng cho ta”.

Vì thế, Cách mạng Tháng Tám đã tạo nên một cao trào cách mạng rộng khắp, mạnh mẽ chưa từng thấy với đông đảo lực lượng tham gia, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, giai cấp, tầng lớp, mọi thành phần kinh tế, mọi giới và mọi thành viên trong đại gia đình dân tộc Việt Nam. Chỉ trong hai tuần, toàn thể dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương, Mặt trận Việt Minh và lãnh tụ Hồ Chí Minh, đã nhất tề vùng lên trong một cuộc Tổng khởi nghĩa có một không hai, giành chính quyền về tay mình.

Đầu tháng 8/1945, Chiến tranh thế giới thứ hai đi đến những ngày cuối cùng. Sau khi tiêu diệt hoàn toàn phát xít Đức và chấm dứt chiến sự ở châu Âu, các nước trong phe Đồng minh (đứng đầu là Mỹ và Liên Xô) dồn sức tiêu diệt phát xít Nhật ở châu Á, buộc chính phủ Nhật hoàng phải tuyên bố đầu hàng không điều kiện.

Trước sự chuyển biến mau lẹ của tình hình, từ ngày 13 - 15/8/1945, Đảng Cộng sản Đông Dương triệu tập Hội nghị toàn quốc tại Tân Trào (Tuyên Quang), nhận định thời cơ đã đến, quyết định phát động tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước trước khi quân Đồng minh vào. Hội nghị quyết định thành lập Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc để kịp thời chỉ đạo thống nhất phong trào khởi nghĩa các địa phương. Tiếp ngay sau đó, Đại hội Quốc dân cũng họp ở Tân Trào (ngày 16/8/1945), bao gồm đại biểu của ba xứ (Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ) đại diện cho các giới, các đoàn thể, các dân tộc, tiêu biểu cho ý chí và nguyện vọng của toàn dân.

Đại hội nhất trí tán thành quyết định tổng khởi nghĩa, bầu Ủy ban dân tộc giải phóng Việt Nam (Chính phủ lâm thời) do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu, thông qua một số chính sách quan trọng của Mặt trận Việt Minh. Chiều 16/8/1945, thực hiện mệnh lệnh của Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc, một đội quân cách mạng do đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ huy, xuất phát từ Tân Trào tiến về giải phóng Thị xã Thái Nguyên, mở đầu cho cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền trên phạm vi cả nước. Từ ngày 14 - 18/8, nhiều địa phương tuy chưa nhận được lệnh tổng khởi nghĩa, nhưng do nắm vững tinh thần các nghị quyết, chỉ thị trước đó của Đảng Cộng sản Đông Dương, căn cứ vào tình hình thực tiễn đã kịp thời, chủ động, sáng tạo, linh hoạt nổi dậy khởi nghĩa. Bốn tỉnh giành chính quyền sớm nhất là Hải Dương, Bắc Giang, Hà Tĩnh, Quảng Nam (ngày 18/8/1945).

Ngày 19/8, theo lời kêu gọi nổi dậy khởi nghĩa của Mặt trận Việt Minh, đồng bào rầm rập kéo đến quảng trường Nhà hát lớn dự mít tinh trong tiếng hát “Tiến quân ca” và cờ đỏ sao vàng, sau đó chia ra thành nhiều đoàn biểu tình đi chiếm các cơ quan chính quyền địch (Phủ khâm sai, Tòa thị chính, Trại lính bảo an, Sở cảnh sát...). Trước khí thế trào dâng như “bão táp” của quần chúng, quân đội Nhật và chính quyền bù nhìn không dám chống lại.

Ngày 23/8, dưới sự lãnh đạo của Xứ ủy Trung Kỳ và Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế, nhân dân ta nổi dậy làm chủ thành phố Huế - kinh đô hàng trăm năm của chế độ phong kiến triều Nguyễn và là thủ phủ của chính quyền bù nhìn trung ương. Vua Bảo Đại buộc phải thoái vị. Ngày 25/8, Xứ ủy Nam Kỳ đã lãnh đạo nhân dân Sài Gòn giành quyền làm chủ, đánh đổ thành lũy cuối cùng của chế độ thực dân.

Thắng lợi của các cuộc khởi nghĩa ở Hà Nội, Huế, Sài Gòn có ý nghĩa quyết định đối với thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám trong phạm vi cả nước. Trong vòng nửa tháng (từ 14 - 28/8/1945), cuộc Tổng khởi nghĩa thành công hoàn toàn.

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám 1945 không chỉ mở ra một kỷ nguyên mới cho Việt Nam, mà còn là thắng lợi của cách mạng giành chính quyền chỉ diễn ra trong thời gian ngắn nhất, tổn thất nhỏ nhất, nhưng mang lại thành công lớn nhất và triệt để nhất trong lịch sử nhân loại. Đó cũng là thắng lợi tất yếu của 15 năm chuẩn bị chu đáo của Đảng ta, là kết quả cuộc đấu tranh yêu nước rộng lớn và sự hy sinh anh dũng của đồng bào, đồng chí cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, thay mặt Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc Bản tuyên ngôn Độc lập, trịnh trọng tuyên bố trước quốc dân đồng bào và toàn thế giới: "Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập và sự thật đã thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”. 76 năm qua, thực hiện lời thề thiêng liêng tại Lễ tuyên ngôn độc lập, toàn thể dân Việt Nam đã đổ biết bao xương máu, bao công sức và trí tuệ để giữ vững thành quả và phát huy giá trị của Cách mạng Tháng Tám, bảo vệ nền độc lập dân tộc, đem lại tự do và hạnh phúc cho nhân dân.

Ngay sau Cách mạng Tháng Tám, cách mạng Việt Nam đứng trước tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, thù trong giặc ngoài đe dọa, khó khăn chồng chất, nhưng chỉ trong một thời gian ngắn, Đảng, Nhà nước cùng toàn dân ta đã làm nên những điều kỳ diệu: Thực hiện thắng lợi Tổng tuyển cử trên phạm vi cả nước, bầu Quốc hội, thành lập Chính phủ, ban hành Hiến pháp, xây dựng và củng cố chính quyền từ trung ương đến địa phương; củng cố và xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân; mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân; xây dựng nền kinh tế mới, văn hóa mới, đời sống mới. Đó là những điều kiện và cơ sở pháp lý có tầm quan trọng đặc biệt để Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vượt qua muôn vàn khó khăn thử thách, kiên quyết bảo vệ chính quyền, bảo vệ thành quả Cách mạng.

Khi thực dân Pháp mở cuộc chiến tranh xâm lược đất nước ta một lần nữa, cả dân tộc Việt Nam lại cùng nhau đứng lên, sẵn sàng “quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, “đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững nền tự do và độc lập”. Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đoàn kết một lòng, tạo thành sức mạnh vô địch, giành thắng lợi vẻ vang, mà đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.

Nhưng vừa ra khỏi cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp, dân tộc ta lại phải bước vào cuộc chiến đấu chống cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ - một đội quân xâm lược chưa từng thất bại.

Trước thách thức to lớn đó, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng ta và Lời hiệu triệu “Không có gì quý hơn độc lập tự do” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cả nước đã nhất tề ra trận, quyết chiến, quyết thắng giặc Mỹ xâm lược. Trải qua cuộc chiến đấu trường kỳ, đầy hy sinh, oanh liệt, cuối cùng bằng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, nhân dân ta đã giành thắng lợi vẻ vang, giải phóng hoàn toàn miền Nam, non sông thu về một mối.

Sau Đại thắng mùa Xuân năm 1975, đất nước bước vào một kỷ nguyên mới: kỷ nguyên hòa bình thống nhất và cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tập trung trí lực, ra sức hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng cuộc sống mới, thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Đại hội VI của Đảng (năm 1986) đưa ra đường lối đổi mới, mở ra bước ngoặt quan trọng trong sự nghiệp xây dựng CNXH ở nước ta.

Đáp ứng đòi hỏi cấp bách của đất nước, từ Đại hội lần thứ VI (1986), Đảng ta đã khởi xướng công cuộc đổi mới. Và trong suốt 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới đó, bài học về phát huy sức mạnh tổng hợp của nhân dân, đoàn kết, tập hợp mọi lực lượng dân tộc trong Cách mạng Tháng Tám tiếp tục được Đảng ta quán triệt, vận dụng và nâng lên tầm cao mới.

Đại hội XIII, Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục giương cao ngọn cờ đại đoàn kết theo tinh thần: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; Thành công, thành công, đại thành công”. Khối đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố chính là nhân tố bảo đảm ổn định tình hình chính trị - xã hội, tăng trưởng kinh tế cao, thực hiện xóa đói, giảm nghèo, cải thiện đời sống nhân dân, thực hiện an sinh xã hội, vị thế của Việt Nam ngày càng được khẳng định trên trường quốc tế…

Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị luôn được chú trọng và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng ngày một nâng lên, đáp ứng sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Khối đại đoàn kết toàn dân tộc được tăng cường. Quốc phòng an ninh được củng cố, chủ quyền quốc gia được giữ vững...

Chắc chắn Đảng ta sẽ vững tay chèo lái đưa con thuyền cách mạng Việt Nam vững vàng ra biển lớn. Vượt qua mọi khó khăn, thử thách để lãnh đạo toàn dân thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII và những quyết sách, định hướng của Đảng đã đề ra./